Khuất sâu trong rừng già có một cây đa huyền thoại phủ tán trên bán đảo Sơn Trà đã hơn ngàn năm.
"Bách niên đại thụ" giữa núi Sơn Trà
Nằm ở rìa phía Đông bán đảo Sơn Trà, tìm theo cung đường về khu bảo tồn 63, một bên là núi đá dốc hiểm trở, một bên là biển mênh mông vỗ rì rào, có một cây đa huyền thoại lặng mình sâu trong rừng già.
Giữa từng tầng sương mờ ảo, như lạc vào chốn ban sơ thuở hồng hoang, không khí u tịch trên núi Sơn Trà, nơi cây đa ngàn năm tọa lạc khiến người ta không khỏi bất ngờ.
Là một phần của lịch sử giấu trong mình bao bí mật của thời gian, cây đa ngàn năm vẫn đồng hành cùng người dân Đà Nẵng. Kể từ khi người ta phát hiện ra cây đa cổ trên núi Sơn Trà vào năm 1771, sự linh thiêng của bán đảo Sơn Trà đã thêm một bước chạm tới sự "huyền bí".
Vào năm 2014, có nhà khoa học xác định ước chừng độ tuổi cây đa cổ khoảng hơn 800 tuổi. Tuy nhiên, những người dân tin vào “Ngự Thần” ở cây đa thiêng thì cho rằng, cây đa đã hơn ngàn năm tuổi.
Những niềm tin ấy chất chứa dần tạo nên sự linh thiêng của cây đa cổ ở chốn rừng sâu. Cây đa ngàn năm với chiều cao đến 20m, đường kính tỏa ra đến 10m và xung quanh có rất nhiều rễ phụ chắc già tạo nên các hình thù kỳ lạ. Người ta đếm được phải đến hơn 26 rễ phụ tỏa ra mặt đất tạo nên bóng cổ thụ sừng sững.
“Thần cây đa, ma cây gạo”
Dân gian có câu “Thần cây đa, ma cây gạo” , chẳng thế mà thần tích về cây đa cổ chốn hoang vu này được truyền lại rằng nơi đây xưa kia thần tiên giáng trần, linh tọa nên cây đa cổ mới tồn tại lâu với hình dáng vĩ đại, trù phú và sức sống mãnh liệt, trường tồn như vậy.
Theo dòng chảy thời gian, cây đa cổ ấy trở thành đại thụ - bách niên đại thụ hay huyền thoại ngàn năm. Đó là những tên gọi mà người dân kính cẩn dành cho cây đa đã tồn tại từ cõi xưa, trầm mình qua nhiều thập kỷ, bám chặt vào vùng đất Đà Nẵng yêu thương, truyền nguồn sinh khí vào không gian và thời gian.
Sự hùng vĩ của cây đa ngàn năm lan rộng như một chiếc lọng, là chốn an tọa của thần linh trong quan niệm dân gian. Rợp bóng giữa nhiều tầng cây, thấp thoáng sau những lớp sương mù, cây đa ngàn năm tuổi ẩn hiện đầy ma mị như những khung cảnh trong cổ tích.
Đã có nhiều tao nhân mặc khách ghé thăm nơi này, xúc động và cảm nhận được sự linh thiêng của cây đa mà đề lại được những dòng thơ.
“Một bóng cây già ai thấu tỏ
Cứ đứng trơ vơ trước gió ngàn
Muôn ma nhảy múa trong vòm lá
Ngàn năm dưới gốc một cọng nhang.”
(Tác giả Giáp Việt)
Nhiều người ghé thăm cây đa và họ cũng lưu truyền nhiều câu chuyện ma mị, bí ẩn về cây đa già này. Người ta kháo nhau về những vụ mất tích của khách du lịch ở chốn thâm sâu cùng cốc. Có những người tín tâm còn cho rằng, tình huống bất trắc xảy ra là do có người mạo phạm, bất kính với Thần canh giữ cây đa.
Những câu chuyện như thế vẫn luôn tồn tại qua lời truyền miệng và thật khó để biết rõ ngọn ngành. Trên thực tế, cây đa ngàn năm nằm giữa chốn rừng u tịch hoang vu, các tầng cây chồng chồng lớp lớp xen với sương mù. Vào những ngày mưa ướt, đường đi dễ trơn trượt, ảnh hưởng tầm nhìn sẽ khiến du khách dễ bị lạc. Bởi vậy, để chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của cây đa ngàn năm, nên đi vào những ngày nắng và đi sớm, tránh đi vào chiều và tối.
Chọn được thời điểm lý tưởng đến thăm cây đa huyền thoại, ai ai cũng sẽ tận mắt cảm nhận được sự sum suê, hùng vĩ. Là địa điểm tuyệt vời để có thể vừa hóng mát vừa ngắm cảnh.
Từ cây đa ngàn năm tuổi, du khách có thể xuôi dòng đi đến đỉnh Bàn Cờ, chùa Linh Ứng để thăm thú.
Cây đa đại thụ đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam, ngày càng trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách khi đặt chân tới Đà Nẵng. Nếu có cơ hội, hãy thử đến một lần và cảm nhận sự độc đáo của cây đa ngàn năm tuổi linh thiêng này.
Biểu tượng tâm linh ngàn năm của làng quê Việt
Chẳng biết từ bao giờ, cây đa đã trở thành một biểu tượng đặc biệt in sâu trong tâm thức của người Việt. Hình ảnh cây đa rợp bóng đầu làng luôn là ký ức sâu lắng khảm vào tâm trí mỗi người về một "ký hiệu" văn hóa. Dù có đi xa đến đâu, người ta cũng nhớ đến bóng hình cây đa - tựa như hoa tiêu để trở về nhà.
Nơi cây đa tỏa bóng mát, nơi cây đa hằn in từng thân rễ, càng ăn sâu lòng đất lại càng thể hiện cho cội rễ tình cảm của biết bao thế hệ con dân xa xứ.
Từ trong niềm tin nguyên thủy của con người, cây đa ẩn chứa sức mạnh linh thiêng, quy tụ mối liên hệ với thần linh, che chở và bảo trợ cho cuộc sống của con người. Ở nhiều làng quê Việt Nam, cây đa luôn được ưu ái ở những vị trị đắc địa như đầu làng, bên cạnh đình chùa, đền miếu. Ở những không gian thiêng như vậy, cây đa cổ thụ như vị thần canh giữ cho sự an yên của tượng trang trí cả một vùng đất.
Cây đa huyền thoại an trú trong rừng sâu tại bán đảo Sơn Trà rất đặc biệt. Bởi vốn là một biểu tượng tâm linh ngàn năm của làng quê Việt, cây đa thường ngự ở những không gian thiêng như đầu làng, bên cạnh đình chùa, miếu mạo. Là người con lớn lên dưới bóng đa già, ai cũng hiểu rằng, cây đa chỉ mọc ở những nơi đắc địa, linh thiêng. Cho nên, cây đa trong cuộc sống người Việt vừa mang đậm hơi thở cuộc sống, vừa mang đậm yếu tố tâm linh.
Ở khắp dải đất hình chữ S, hiện hữu biết bao bóng hình cây đa. Nằm trong hệ thống cây thiêng, với mỗi loại tượng nội thất cây lại được bồi đắp nhiều câu chuyện huyền bí đầy ý nghĩa, chẳng hạn như cây đa 13 gốc (Hải Phòng), cây gạo hơn 700 tuổi (Hải Phòng),... Tuế nguyệt thoi đưa, chúng ta sẽ dần dần khắc ghi những dấu tích đẹp đẽ ấy, khảm sâu vào niềm tin của chính mình, những nét văn hóa chân thực nhất, những biểu tượng hồn cốt nhất của đất nước Việt Nam.
Theo Vũ
Trí thức trẻ